Một số điểm mới trong quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước

29/08/2024 - 10:49 AM | 493 Lượt xem

Ngày 10/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Nghị định này giúp giải quyết nhiều “điểm nghẽn” trong công tác đầu tư ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước.

Trong bối cảnh thúc đẩy các nhiệm vụ chuyển đổi số nhằm đạt mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, việc ban hành Nghị định sửa đổi là bước đi kịp thời, thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ các vướng mắc về thể chế và chính sách cho công cuộc chuyển đổi số.

Nghị định số 82/2024/NĐ-CP là văn bản đầu tiên thể chế hóa một cách mạnh mẽ hoạt động đầu tư, mua sắm các phần mềm phổ biến được nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu. Các bộ chuyên ngành sẽ có trách nhiệm rà soát và công bố danh mục, chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của các phần mềm này, trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm với phần mềm phổ biến quốc gia.

Nghị định này cũng sửa đổi các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đồng bộ với các quy định hiện hành về đầu tư, ngân sách và đấu thấu. Cụ thể:

Nghị định số 82/2024/NĐ-CP Nghị định số 73/2019/NĐ-CP
Phương án thiết kế:

Giao cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định thiết kế 01 bước hoặc 02 bước đảm bảo hiệu quả quản lý thực hiện dự án

Phương án thiết kế:

Tại khoản 2, Điều 10, quy định thiết kế 01 bước áp dụng đối với các dự án: b) Dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở xuống; c) Dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu nếu xét thấy đủ điều kiện để thiết kế chi tiết và xác định dự toán.

Quy định về định mức:

Hoạt động mang tính chất đầu tư sử dụng nguồn chi thường xuyên đều thực hiện theo quy trình của dự án sử dụng vốn đầu tư công (khoản 29, Điều 1), tức là không còn quy định về lập Đề cương và dự toán chi tiết, mà lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật (thiết kế 01 bước) hoặc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và Thiết kế chi tiết (thiết kế 02 bước)

Quy định về định mức:

Tại khoản 2, Điều 51: Đối với các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về lập đề cương và dự toán chi tiết.

Quy định về trang thiết bị CNTT:

Tại điểm i, khoản 2 Điều 1 đã bổ sung quy định về “Trang thiết bị công nghệ thông tin” bao gồm thiết bị phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và các thiết bị số khác để giải quyết vướng mắc về chuyển nguồn ngân sách nhà nước đối với mua sắm hàng hóa, trang thiết bị công nghệ thông tin; Đồng thời khẳng định việc xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ là hoạt động mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin.

 

Quy định về trang thiết bị CNTT:

Không quy định.

Mặc dù thuê dịch vụ CNTT là một hình thức ưu tiên, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP tại khoản 30, Điều 1 đã bổ sung quy định trước khi thuê dịch vụ công nghệ thông tin, cơ quan nhà nước phải thực hiện so sánh ưu điểm, hạn chế giữa việc đầu tư, mua sắm với việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin dựa trên các điều kiện, tình hình cụ thể của cơ quan mình, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định hình thức thực hiện, tránh tình trạng “lạm dụng” hình thức này. Thời gian thuê dịch vụ được mở rộng lên tối đa 08 năm để bảo đảm ổn định, liên tục và hiệu quả trong việc khai thác, sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra, Nghị định cũng đưa ra 9 tiêu chí đánh giá bao gồm: Trình tự, thủ tục thực hiện (trình tự, thủ tục thuê dịch vụ công nghệ thông tin; đầu tư, mua sắm); Phạm vi, quy mô thực hiện; Nguồn lực bao gồm đánh giá hiệu quả về phương án tài chính, khả năng bố trí vốn, nguồn vốn; nguồn nhân lực triển khai; Mức độ thay đổi về công nghệ, các yêu cầu chức năng, phi chức năng của hệ thống; Khả năng tích hợp, kết nối, liên thông của hệ thống; Khả năng nâng cấp, mở rộng hệ thống; Khả năng bảo trì, quản trị, vận hành; Thời gian triển khai (thời gian thuê dịch vụ công nghệ thông tin; thời gian thực hiện đầu tư, mua sắm, bao gồm cả thời gian chuẩn bị lập, thẩm định phê duyệt dự án, hoạt động mua sắm, kế hoạch thuê dịch vụ); Quyền sở hữu sau khi kết thúc thời gian thuê (tài sản, thông tin, dữ liệu…). Các cơ quan, đơn vị có thể bổ sung tiêu chí phù hợp với các hoạt động thuê dịch vụ CNTT của cơ quan, đơn vị (nếu có).

Việc công bố danh mục phần mềm tại khoản 5, Điều 1, Nghị định số 82/2024/NĐ-CP đã bổ sung Điều 5a quy định: Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm rà soát, xây dựng, công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến ngành, chuyên ngành, lĩnh vực.  Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm rà soát, xây dựng, công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến quốc gia. Việc đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với phần mềm phổ biến (bao gồm phần sửa đổi, bổ sung một số chức năng, tính năng, hiệu năng) được thực hiện theo trình tự, thủ tục đầu tư, mua sắm phần mềm thương mại, thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường. Đối với phần sửa đổi, bổ sung một số chức năng, tính năng, hiệu năng của phần mềm phổ biến (nếu có), dự toán của phần sửa đổi, bổ sung được xác định theo báo giá của nhà cung cấp, nhà sản xuất…

Đưa tin: Phòng Dự án thông tin y tế

Phòng Tổ chức - Hành chính