Hướng dẫn lựa chọn phương án thiết kế dự án/hoạt động CNTT

07/08/2024 - 9:32 AM | 4686 Lượt xem

Ngày 10/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký (10/7/2024).

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần đẩy mạnh triển khai và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 3127/BTTTT-CĐSQG ngày 31/7/2024. Văn bản này hướng dẫn các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung, trong đó có hướng dẫn xác định và lựa chọn phương án thiết kế (01 bước hoặc 02 bước) đối với dự án/hoạt động ứng dụng CNTT, cụ thể:

Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về các trường hợp thiết kế 01 bước hoặc 02 bước như sau:

Đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển (dự án):

Không quy định hạn mức dưới 15 tỷ đồng phải lập thiết kế 01 bước; việc quyết định phương án thiết kế (01 bước hoặc 02 bước) do cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định.

Đối với hoạt động đầu tư hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu để thiết lập, hình thành hệ thống (gọi tắt là hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin mang tính chất đầu tư) sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên:

Thống nhất thực hiện tương tự theo quy trình của dự án, ngoại trừ quy định liên quan đến phân bổ nguồn vốn; Không còn quy định về hình thức lập đề cương và dự toán chi tiết (thiết kế 01 bước) hoặc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế 02 bước).

Lựa chọn thiết kế 01 bước hoặc 02 bước như thế nào?

Việc xác định dự án nào thực hiện thiết kế 01 bước hay 02 bước thường dựa vào sự phức tạp/đơn giản hoặc quy mô của dự án. Cụ thể:

Với những dự án phức tạp, quy mô lớn:

Nếu chủ đầu tư đã có kinh nghiệm quản lý thực hiện các dự án tương tự, việc triển khai dự án mới có độ phức tạp, quy mô lớn không gặp khó khăn và hoàn toàn có thể triển khai 01 bước thiết kế.

Với những dự án đơn giản, quy mô nhỏ:

Nếu chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án công nghệ thông tin, việc triển khai có thể gặp khó khăn. Trong trường hợp này, chủ đầu tư có thể đề xuất lựa chọn triển khai 02 bước thiết kế.

Như vậy, trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm triển khai đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chủ đầu tư đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét và quyết định triển khai dự án theo phương án thiết kế 01 bước hoặc 02 bước.

Cấp có thẩm quyền quyết định phương án thiết kế khi nào?

Đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi đầu tư phát triển:

Việc quyết định phương án thiết kế được thực hiện tại bước phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin mang tính chất
đầu tư sử dụng kinh phí chi thường xuyên
:

Việc quyết định phương án thiết kế được thực hiện trước khi tổ chức thực hiện lập dự án (lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi). Trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư là cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ để làm cơ sở lập dự toán, phân bổ kinh phí thì việc quyết định phương án thiết kế có thể được lồng ghép ngay tại bước phê duyệt nhiệm vụ, phân bổ kinh phí.

Công văn số 3127

Phụ lục 01

Đưa tin: Phòng Dự án thông tin y tế

Phòng Tổ chức - Hành chính